Mã số:
Mã số 01C-04/05-2020-3
Tên đề tài:
Nghiên cứu và đề xuất bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội (20:11 17/10/2023)
Đơn vị chủ trì:
38
Thời gian:
2024
-2024
Lượt đọc:
15
Kết quả nghiệm thu:
Chưa nghiệm thu
Nội dung:

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương


Sự cần thiết:
Phát triển hệ thống giao thông vận tải (GTVT) đô thị trong đó có vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đối với các đô thị là hết sức cần thiết. Theo đó, một trong những vấn đề mà các đô thị trên thế giới cũng như ở khu vực châu Á rất quan tâm là đánh giá hoạt động của VTHKCC bằng xe buýt thông qua các tiêu chí hiệu quả, qua đó giúp các nhà quản lý có các chính sách điều chỉnh và phát triển phù hợp. Hiện nay, đã có nhiều công trình trong nước và ngoài nước nghiên cứu về đánh giá hiệu quả dịch vụ buýt trên các góc độ và quan điểm khác nhau.


Trên thế giới, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt là hình thức vận tải cơ bản tại hầu hết các đô thị trên thế giới, do đó đánh giá hiệu quả hoạt động của loại hình này là cực kỳ quan trọng để đưa ra được các giải pháp nâng cao hoạt động vận hành, khía cạnh tài chính và chất lượng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong việc đánh giá hiệu quả cũng như so sánh hiệu quả của dịch vụ buýt ở các đô thị nằm ở hệ thống chỉ tiêu được sử dụng và có thể sử dụng. Trên thực tế, các đô thị và đặc biệt các quốc gia có cách thức thống kê không giống nhau và các loại hình dịch vụ buýt cũng hết sức đa dạng (ví dụ: dịch vụ buýt nhanh, dịch vụ buýt tốc hành, BRT…). Vì thế các nghiên cứu thời kỳ đầu thường tập trung vào các đô thị rời rạc. Sau khi hệ thống chỉ tiêu phát triển, các nghiên cứu đa (nhiều) đô thị và đa quốc gia trở thành xu thế. Chẳng hạn, Sampaio và các đồng nghiệp (2008) đã so sánh hiệu quả của của 19 dịch vụ buýt tại Brazil, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Hy Lạp và Litva, trong khi Karlaftis (2004) thực hiện một nghiên cứu tương tự cho 256 hệ thống VTHKCC ở các đô thị của Mỹ. Tại khu vực Châu Á, thực hiện 1 phân tích nổi tiếng (86 lượt trích dẫn theo Google Scholar) bằng dữ liệu của 23 công ty vận tải buýt tại Đài Loan giới thiệu kết quả nghiên cứu thú vị về đánh giá hiệu quả của dịch vụ buýt được cung cấp bởi 46 doanh nghiệp ở Malaysia. Các nghiên cứu tiêu biểu nêu trên và một số nghiên cứu khác nhấn mạnh các điểm chính liên quan tới hệ thống chỉ tiêu hiệu quả trong VTHKCC bằng xe buýt :


- Thứ nhất, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hết sức đa dạng và khác biệt giữa các quốc gia.
- Thứ hai, với các chỉ tiêu khác nhau, kết quả đánh giá hiệu quả thay đổi và có thể dẫn tới những kết luận trái ngược về tính hiệu quả hay không hiệu quả của dịch vụ buýt đang được xem xét.
- Thứ ba, đánh giá hiệu quả cần xem xét ở góc độ tổng hợp kinh tế xã hội môi trường trên quan điểm của người thụ hưởng dịch vụ, người cung ứng dịch và Nhà nước vì VTHKCC là giải pháp hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững giao thông vận tải đô thị.


Trong nước, sự phát triển của VTHKCC ở Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhóm nghiên cứu và nhà khoa học trong thời gian qua. Tiêu biểu trong số đó là các dự án, đề tài lớn về giao thông đô thị ở Hà Nội được chủ trì/thực hiện bởi các đơn vị nghiên cứu của Bộ GTVT, Trường đại học GTVT, các tổ chức quốc tế như SIDA (Thụy Điển); JICA, ALMEC (Nhật Bản)...Điểm chung của các công trình này là thường hướng tới phạm vi lớn như định hướng phát triển và đánh giá (chung) quy hoạch GTVT. Kết quả là hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả VTHKCC nói chung và bằng xe buýt nói riêng chưa được xem xét thấu đáo và chi tiết.


Những điểm chính về đánh giá hiệu quả VTHKCC bằng xe buýt trong các công trình trong nước là:
- Các phân tích đánh giá còn rời rạc, đánh giá hiệu quả chỉ là một phần nhỏ trong những vấn đề nghiên cứu, chưa có tính toàn diện và quan điểm đánh giá chung.
- Các đánh giá chủ yếu là sử dụng phân tích tài chính dự án, trong khi đánh giá kinh tế chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các chỉ tiêu định tính, thiếu các đánh giá định lượng.
- Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu trong nước về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả tổng hợp của hoạt động của VTHKCC bằng xe buýt trong đô thị.
- Các nội dung quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả thường được đề cập rời rạc và chủ yếu dưới góc độ chất lượng dịch vụ và các yêu cầu cơ bản đối với VTHKCC bằng xe buýt tại các Nghị định, Thông tư. Khi tiến hành đấu thầu và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ, những khía cạnh liên quan tới hiệu quả được ràng buộc cụ thể hơn và trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả theo đối tượng liên quan không được thể hiện rõ ràng, chủ yếu được nêu ở những yêu cầu dịch vụ cần đạt được và mức độ, cách thức trợ giá. Chính vì vậy, rất khó cho nhà quản lý có thể đánh giá một cách tổng hợp về hiệu quả của dịch vụ buýt, từ đó có các chính sách và giải pháp tổ chức quản lý phù hợp.
- Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có hệ thống xe buýt tốt nhất Việt Nam hiện nay, tuy nhiên việc đánh giá hiệu quả của dịch vụ buýt ở đây, cũng giống như Hà Nội, chưa thực sự được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ, chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu riêng lẻ liên quan tới tài chính và khai thác vận hành.


Thực tế rằng khối lượng vận chuyển của xe buýt tại Hà Nội có xu hướng giảm sút trong những năm gần đây tuy nhiên việc đánh giá khách quan, toàn diện về hiệu quả của dịch vụ buýt để có các giải pháp phù hợp chưa thể thực hiện thành công do thiếu hệ thống tiêu chí đánh giá. Hiện trạng này cùng những phân tích về tổng quan nghiên cứu trên thế giới nhìn chung tương thích và thống nhất rằng xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả của VTHKCC bằng xe buýt ở Hà Nội là vấn đề thực tế phức tạp và cũng là khoảng trống trong nghiên cứu hiện nay ở Hà Nội. Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu và đề xuất bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội” là cần thiết.


Mục tiêu:
- Xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Tuyến BRT 01 và 01 tuyến buýt truyền thống. Áp dụng cho các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động ổn định >2 năm.
- Đề xuất được giải pháp áp dụng bộ tiêu chí để nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Nội dung nghiên cứu:
- Tổng quan về kinh nghiệm thực tiễn trong nước và ngoài nước về đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng.
- Cơ sở khoa học về đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng truyến tuyến buýt nhanh (BRT) và tuyến xe buýt 02.
- Giải pháp áp dụng bộ tiêu chí trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Kết quả của đề tài:
Phát triển VTHKCC là giải pháp quan trọng để khắc phục và giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên VTHKCC khác với các loại hình vận tải kinh doanh khác là nó không thể tạo ra được hiệu ứng tích cực nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Theo nghĩa này, Nhà nước thực hiện trợ giá để VTHKCC trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với tất cả các nhóm đối tượng trọng đô thị - đặc biệt là những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trợ giá cho VTHKCC cũng cần phải chứng minh được những hiệu ứng tích cực mà nó mang lại để cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở để tiếp tục duy trì chính sách trợ giá của mình cũng như có các điều chỉnh phù hợp. Nghiên cứu này được tiến hành để đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả VTHKCC bằng xe buýt ở Hà Nội. Các kết quả chính của đề tài bao gồm:


Khái quát hóa được kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng.
- Tổng hợp được cơ sở khoa học về đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của tuyến và mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên cơ sở quan điểm của hành khách, doanh nghiệp và nhà nước, dưới 4 góc độ gồm kinh tế, xã hội, môi trường, và tổng hợp.
- Áp dụng được bộ tiêu chí đề xuất để đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng truyến tuyến buýt nhanh (BRT) và tuyến xe buýt 02. Kết quả chỉ ra rằng cả 02 tuyến đều có hiệu quả nhưng chưa đạt được mức rất hiệu quả.
- Trên cơ sở kết quả đánh giá, đề tài đã đề xuất được các giải pháp áp dụng bộ tiêu chí trên địa bàn thành phố Hà Nội.


* Mặc dù được thực hiện cẩn thận và chi tiết, tuy nhiên đề tài cũng còn một số hạn chế như sau:
Chưa thể lượng hóa và quy đổi được toàn bộ các chỉ tiêu. Nói cách khác, một số chỉ tiêu mới chỉ được đề cập ở góc độ định lượng rời rạc.
Số liệu thu thập chưa thực sự đầy đủ, phần nào do công tác thống kê chưa có tính hệ thống cao của doanh nghiệp.
Việc đánh giá hiệu quả của 02 tuyến buýt (tuyến truyền thống và tuyến BRT) không thể phản ánh được đầy đủ và chính xác hiệu quả của mạng lưới buýt.
Mới chỉ dừng lại ở góc độ đề xuất nhưng chưa tính toán được cụ thể hiệu quả của mạng.
Mặc dù bộ tiêu chí có thể giúp phần nào ước lượng được những lợi ích khi có và không có VTHKCC bằng xe buýt tuy nhiên nội dung này chưa được xem xét trong đề tài này một cách đầy đủ và chi tiết.


* Bộ tiêu chí có khả năng áp dụng cho không chỉ thành phố Hà Nội mà còn ở các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc TW khác, những nơi có hệ thống buýt phát triển và được trợ giá. Đối với những hệ thống buýt không được trợ giá, việc áp dụng trực tiếp bộ tiêu chí có thể gặp những khó khăn nhất định vì bộ tiêu chí gồm một số chỉ tiêu liên quan tới vấn đề này. Do đó, để áp dụng cần có sự điều chỉnh trên cơ sở loại bỏ các chỉ tiêu liên quan tới trợ giá và các chỉ tiêu khác (nếu không phù hợp).

Tin đọc nhiều

Đại hội đại biểu Hội Luật gia quận Long Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2024-2029

19:26 26/06/2024

HNP - Ngày 26/6, Hội Luật gia quận Long Biên tổ chức Đại hội đại biểu khóa IV, nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiệm vụ đánh giá kết quả hoạt động Hội trong nhiệm kỳ 2018-2024, đề ra phương hướng trọng tâm nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời bầu Ban Chấp hành quận Hội khoá IV, bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Luật gia thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ

06:39 26/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký ban hành Công văn số 1928/UBND-KSTTHC ngày 18/6/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

06:37 26/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.

Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn

21:33 18/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 về việc phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn, quận Long Biên, tỷ lệ 1/500.

Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân

21:31 18/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội.