Mã số:
01C-04/06-2020-3
Tên đề tài:
Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội
Đơn vị chủ trì:
41
Thời gian:
2021
-2023
Lượt đọc:
37
Chủ nhiệm đề tài:
TS. Đoàn Trung Kiên
Kết quả nghiệm thu:
Chưa nghiệm thu
Sự cần thiết:

Thứ nhất, về cơ sở chính trị:
Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII đã khẳng định: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội đòi hỏi thực hiện phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu thực tiễn của chính quyền đô thị.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhận định: “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế”. Trên cơ sở đó, Văn kiện cũng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trang chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”.

Cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Trung ương, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 xác định việc đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thành phố là một trong ba khâu đột phá của Thành phố. Văn kiện cũng nhấn mạnh “thực hiện phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp, ngành, địa phương về quản lý kinh tế-xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo nguyên tắc không trùng, không sót. trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc”.

Đây là những chủ trương, chính sách rất cần được thể chế hoá đầy đủ thành quy định của pháp luật trong đó có Luật Thủ đô.

Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương từ thực tiễn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là một trong những vấn đề lớn đặt ra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Chính vì lẽ đó, đề tài: “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội” có ý nghĩa cả về khoa học, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, cụ thể:

- Cung cấp các luận cứ khoa học bảo đảm tính thuyết phục về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong đó trực tiếp là Luật Thủ đô, giải quyết được những nút thắt, bất cập về thể chế, nâng cao trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình điều hành, quản lý tại thành phố Hà Nội mà một trong những nguyên nhân chính là từ phân cấp, phân quyền chưa được quy định đầy đủ và cụ thể; giúp chính quyền các cấp của Thành phố nâng cao tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội.

Việc thực hiện Đề tài làm rõ cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền; đánh giá đúng thực trạng phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội; đề xuất được quan điểm, định hướng, chính sách và giải pháp phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô.

Thứ hai, về cơ sở pháp lý:
Vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề có tầm quan trọng, được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Đây vừa là một yêu cầu cũng vừa là một trong những cách thức để thực hiện quyền lực nhà nước theo sự ủy quyền của nhân dân cho các cơ quan nhà nước. Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương cũng thể hiện quan niệm của Đảng, Nhà nước về vai trò của các cấp chính quyền địa phương, hướng đến phát huy hiệu quả bộ máy nhà nước nói chung trong giải quyết tốt các vấn đề của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở pháp lý để phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để tăng cường tính chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Cụ thể hoá tinh thần này của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã khẳng định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp”. Việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm nguyên tắc quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật…

Mặc dù nội dung phân cấp, phân quyền bước đầu được ghi nhận tại Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nhưng quy định của pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện.

Thứ ba, về cơ sở thực tiễn:
Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương là những nội dung được thể chế hóa thành quy định pháp luật nhằm phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được khoa học, thuận lợi và hiệu quả, bảo đảm việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện cho cấp dưới thực hiện. Nhìn chung, phân cấp, phân quyền là một vấn đề lớn, cần phải được giải quyết không riêng ở bất kỳ quốc gia hay khu vực nào. Ở Việt Nam, việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương được đặt trong bối cảnh nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, trong đó có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, thực tế phân cấp, phân quyền ở Việt Nam vẫn còn phát sinh một số vấn đề hạn chế. Đặc biệt đối với thành phố Hà Nội là một địa phương hết sức đặc thù, là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước; việc phân cấp, phân quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền trong việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cụ thể. Mối liên hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội cũng như giữa các cấp chính quyền trong nội bộ Thành phố có tính đặc thù cao và khác biệt so với các vùng miền khác; trong khi đó sự phát triển kinh tế - xã hội cùng quá trình đô thị hóa mạnh đòi hỏi chính quyền Hà Nội phải tăng cường chất lượng quản lý.

Việc phân cấp, phân quyền chưa chú ý đến năng lực thực tế của mỗi cấp chính quyền, mỗi địa phương. Trên thực tiễn, việc phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương chỉ nặng về chuyển giao công việc (nhiệm vụ) từ cấp trên xuống chứ chưa tương xứng với thẩm quyền và nguồn lực cần thiết (tổ chức, nhân sự, tài chính). Do vậy, việc phân cấp, phân quyền chưa cụ thể và triệt để. Trong quá trình phân cấp, phân quyền, chính quyền trung ương còn quyết định những vụ việc cụ thể, những chính sách tầm vi mô, việc phân cấp còn mang tính đồng loạt và chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể mỗi cấp chính quyền nói chung và chính quyền đô thị có những nhiệm vụ và thẩm quyền gì.

Thực trạng trên đây xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức chính quyền địa phương trong đó có chính quyền đô thị chưa được tuyên truyền, phổ biến kịp thời; quá trình thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương diễn ra chậm và thiếu đồng bộ; nhận thức của cán bộ, công chức về tổ chức chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng chưa thống nhất; hoạt động nghiên cứu lý luận, pháp luật về phân cấp, phân quyền ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế hiện nay, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương dù đã được thực hiện nhưng còn có những hạn chế, chưa rõ ràng, chưa căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, miền núi của từng địa phương, dẫn đến việc “cào bằng” về mặt chính sách. Đối với những địa phương có nguồn lực, năng lực, khả năng giải quyết công việc như Hà Nội hay các thành phố lớn trực thuộc Trung ương chưa được phân quyền nhiều hơn để chủ động trong xây dựng chính sách và triển khai nhiệm vụ. Xu hướng thu thẩm quyền về các cơ quan Trung ương vẫn đang diễn ra trên một số lĩnh vực.

Vì vậy, cơ chế phân cấp, phân quyền trong Luật Thủ đô sẽ giúp chính quyền các cấp của Thành phố nâng cao tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, giải quyết được những nút thắt, bất cập về mặt thể chế; nâng cao trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu tổng quát:
Đề tài làm rõ cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền và kinh nghiệm thực tiễn; đánh giá đúng thực trạng phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội; đề xuất được quan điểm, định hướng, chính sách và giải pháp phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô.
Mục tiêu cụ thể:

- Nghiên cứu cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương và nhấn mạnh giữa trung ương với chính quyền đô thị tại Hà Nội: Khái niệm, nguyên tắc, nội dung, hình thức phân cấp, phân quyền; tư tưởng phân cấp, phân quyền trong một số học thuyết về nhà nước và pháp luật và trong lịch sử lập hiến Việt Nam; phân cấp, phân quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; kiểm soát quyền lực nhà nước đối với vấn đề phân cấp, phân quyền; các yếu tố ảnh hưởng và điều kiện đảm bảo cho phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Nghiên cứu thực tiễn phân cấp, phân quyền ở một số nước châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và một số thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam như thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; từ những kết quả nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm để Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội.

- Đánh giá đúng thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn phân cấp, phân quyền, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra ở thành phố Hà Nội: Phân tích được tổng quan về thành phố Hà Nội những yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; thực trạng pháp luật về phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; thực trạng phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực cụ thể và giữa các cấp chính quyền ở thành phố Hà Nội; chỉ ra được những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế của việc phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; đánh giá được ưu điểm, nhược điểm nội dung quy định của Luật Thủ đô năm 2013 và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật Thủ đô năm 2013, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế nhất là có liên quan đến phân cấp, phân quyền. Thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

- Đề xuất được quan điểm, định hướng, chính sách và giải pháp phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội: Trên cơ sở đánh giá thực trạng, chỉ ra được các nguyên nhân của thành công và hạn chế về phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội, Đề tài đề xuất quan điểm, định hướng, chính sách phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; các giải pháp hoàn thiện thể chế, các giải pháp phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực cụ thể (tổ chức bộ máy, nhân sự, đầu tư, tài chính-ngân sách, đất đai, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ…) và các giải pháp phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền; đề xuất những nội dung, chính sách phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực then chốt và điều kiện đảm bảo tổ chức thực hiện.

- Đề xuất được những nội dung cần sửa đổi cụ thể trong Luật Thủ đô. Từ kết quả nghiên cứu về cơ sở khoa học, đánh giá đúng thực trạng phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội, đánh giá đúng ưu, nhược của nội dung quy định trong Luật Thủ đô, đề tài đề xuất những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô; đánh giá thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 trên địa bàn thành phố.

Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và Thành phố Hà Nội trong việc ban hành qui định và tổ chức thực hiện phương án phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội.

Nội dung:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền.
- Nghiên cứu thực tiễn phân cấp, phân quyền ở một số nước trên thế giới và Việt Nam.
- Nghiên cứu thực trạng phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội.
- Nghiên cứu đề xuất quan điểm, định hướng, chính sách, giải pháp phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô.
Kết quả:

Phân cấp, phân quyền không phải là vấn đề hoàn toàn mới ở nước ta cả về lý luận và thực tiễn. Ở Việt Nam, phân cấp, phân quyền đã được thực hiện ở những góc độ khác nhau, trên các lĩnh vực nhất định. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trình độ dân trí ngày càng cao, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề phân cấp, phân quyền lại đang  trở thành vấn đề có tính thời sự, bởi qua phân cấp, phân quyền, các cơ quan nhà nước cấp dưới được trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, phát huy sự sáng  tạo, là động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền là một định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng được quan tâm sâu sắc về mặt lý luận để từ đó tìm ra được mô hình, cách thức, tiêu chí, giải pháp cho việc triển khai phân cấp, phân quyền trên thực tế. Trong đó, mỗi quan hệ giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau phải được tổ chức sao cho sự phối hợp giải quyết các công việc phải vừa hiệu quả, vừa nhanh chóng, linh hoạt. Và cuối cùng, kết quả của việc phân cấp, phân quyền phải được đo lường bằng sự hài lòng của người dân trước những công việc của chính quyền. Có như vậy, phân cấp, phân quyền mới thực sự đóng vai trò trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thực tế các quốc gia trên thế giới cũng như những địa phương có chung đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam cho thấy phân cấp, phân quyền chính là chìa khóa để có được một hệ thống quản trị tốt, gắn với phát triển đô thị; nhất là đối với một thủ đô có tầm quan trọng chiến lược trong cả nước. Tiếp  tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đề cao tính tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm trên nền tảng là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, ý thức phục vụ nhân dân sẽ là bước đệm cho sự đột phá của Hà Nội trong thời gian tới, đáp ứng mục tiêu xây dựng thủ đô “văn hiến, văn minh, hiện đại”; xứng danh “thành phố vì hòa bình.

Trong thời gian qua, khi thực hiện những nội dung được phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực thuộc quy định của Luật thủ đô năm 2012, Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả về mọi mặt. Chính trị của Thủ đô được giữ vững, an ninh, quốc phòng được bảo đảm, nền kinh tế, văn hoá, xã hội có nhiều sự phát triển đột phá. Có được sự thành công trên, một phần bởi chính sự đồng lòng, quyết tâm chính trị của lãnh đạo Thành phố, sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương, thể chế cho Thủ đô có nhiều quy định vượt trội đặc thù. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền trong từng lĩnh vực đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều nội dung được phân cấp cho chính quyền đô thị Hà Nội nhưng chưa rõ ràng, thiếu điều kiện bảo đảm thực hiện; nhiều nội dung phân cấp chưa sát với đặc thù của các huyện, quận, thị xã, xã, phường thị trấn nên còn cào bằng và dàn trải, chưa phát huy được tính tự chủ của chính quyền địa phương… Vì vậy, phần nào gây cản trở đến hiệu quả hoạt động của Thành phố Hà Nội. Thời gian tới, rất cần có những quan điểm, chính sách và giải pháp để phát huy lợi thế của Thủ đô và khắc phục hạn chế, tạo bước phát triển mới cho Thủ đô, xứng tầm là vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước.

Các quan điểm, chính sách và giải pháp mang tính toàn diện và tầm nhìn xa cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó với các chính sách có liên quan đến phân cấp, phân quyền như: Tổ chức chính quyền thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp mạnh cho Thủ đô trong một số lĩnh vực then chốt như nội vụ, giao thông, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư…để Thủ đô đặt trong mối liên kết Vùng Thủ đô là những giải pháp hữu hiệu nhất.

Tin đọc nhiều

Đại hội đại biểu Hội Luật gia quận Long Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2024-2029

19:26 26/06/2024

HNP - Ngày 26/6, Hội Luật gia quận Long Biên tổ chức Đại hội đại biểu khóa IV, nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiệm vụ đánh giá kết quả hoạt động Hội trong nhiệm kỳ 2018-2024, đề ra phương hướng trọng tâm nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời bầu Ban Chấp hành quận Hội khoá IV, bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Luật gia thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ

06:39 26/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký ban hành Công văn số 1928/UBND-KSTTHC ngày 18/6/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

06:37 26/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.

Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn

21:33 18/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 về việc phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn, quận Long Biên, tỷ lệ 1/500.

Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân

21:31 18/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội.