Mã số:
Mã số 01X -10/02 - 2020 - 3
Tên đề tài:
Giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố Hà Nội (14:28 31/03/2023)
Đơn vị chủ trì:
27
Thời gian:
2024
-2024
Lượt đọc:
9
Kết quả nghiệm thu:
Chưa nghiệm thu
Nội dung:

Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Ngô Thanh Hoàng

Sự cần thiết:
Nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, Thành phố Hà Nội - nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thành trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của cả nước. Với mong muốn mang lại cho người dân Thủ đô những dịch vụ sự nghiệp công tốt nhất phù hợp với khả năng chi trả; Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) theo đúng chủ trương của Đảng và các quy định của Chính phủ. Sau một thời gian thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu đối với từng lĩnh vực trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí NSNN giao đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội; tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao. Cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện. Thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám tại các đơn vị SNCL.


Bên cạnh những thành tựu trên, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL còn gặp nhiều khó khăn do quy mô của hầu hết các đơn vị còn nhỏ, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ còn thiếu thốn; việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ, không đầy đủ, chưa bám sát thực tiễn, sự chậm trễ của các quy định pháp luật về tự chủ đơn vị SNCL đã tạo rào cản rất lớn cho hoạt động của các đơn vị. Trong thời gian triển khai tự chủ đơn vị SNCL theo Nghị định 16/2015 thì Chính phủ mới chỉ ban hành được 02 Nghị định chuyên ngành hướng dẫn thực hiện tự chủ đơn vị SNCL trong lĩnh vực KH&CN và sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác. Các hướng dẫn về xây dựng ĐMKTKT và xác định giá dịch vụ SNC cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được ban hành đầy đủ ở tất cả các lĩnh vực SNC. Sự không đồng bộ của cơ chế còn tạo ra những khó khăn khi các đơn vị triển khai hoạt động liên doanh, liên kết trong cung ứng dịch vụ SNC. Đồng thời, trong triển khai thực hiện tự chủ đơn vị SNCL mới chỉ chú trọng vào giao tự chủ tài chính nhưng chưa giao quyền tự chủ, chủ động về thực hiện nhiệm vụ cũng như tổ chức bộ máy và nhân sự cho các đơn vị SNCL. Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL thay thế cho Nghị định 16/2015 được Chính phủ ban hành vào tháng 06/2021 có hiệu lực từ tháng 08/2021 nhưng sau hơn 1 năm vẫn chưa đi vào thực tế vì còn bất cập và thiếu Thông tư hướng dẫn. Ngày 05/09/2022, nhằm khắc phục những thiếu sót của Nghị định 60/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về Phương pháp phân loại tự chủ tài chính của đơn vị SNCL trong năm 2022 trong khi chờ hướng dẫn xây dựng phương án tự chủ từ Bộ Tài chính. Cho đến ngày 16/09/2022 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để sửa đổi Nghị định 60/2022. Những dẫn chứng trên cho thấy khung pháp lý về cơ chế tự chủ đơn vị SNCL đã và đang là một rào cản lớn trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL.


Bên cạnh đó, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Thành phố đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội trong đổi mới hoạt động tại các đơn vị SNCL. Các cơ hội đối với các đơn vị SNCL đến từ sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng các dịch vụ SNC của người dân thành phố và các tỉnh thành lân cận ngày càng tăng lên, nhu cầu sử dụng các dịch vụ SNC chất lượng cao của người dân tăng lên; thu nhập bình quân đầu người của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung tăng lên đã làm tăng khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ SNC. Tuy nhiên, các thách thức mới xuất hiện cũng không ít như: các đơn vị SNCL đang ngày càng chịu sự cạnh tranh lớn từ phía các đơn vị cung cấp dịch vụ tư nhân trong khi nguồn kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị giảm dần; tính công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân trong cung cấp dịch vụ SNC ngày càng được tăng lên; yêu cầu của người dân thành phố được sử dụng các dịch vụ SNC chất lượng tốt hơn và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay sự xuất hiện của các ngoại tác (dịch bệnh, ô nhiễm môi trường) đang đặt ra những thách thức lớn trong quá trình đổi mới các đơn vị SNCL của Thành phố. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đổi mới mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL phải đạt được cùng một lúc nhiều mục tiêu: phát triển các đơn vị SNCL, nâng cao chất lượng dịch vụ SNC, giảm sự phụ thuộc của các đơn vị vào nguồn kinh phí NSNN cấp; đổi mới mô hình hoạt động của các đơn vị SNCL theo hướng thị trường hóa những vẫn đảm bảo được công bằng xã hội, đảm bảo được hệ thống an sinh xã hội cho người dân nói chung và nhất là những đối tượng yếu thế nói riêng.


Vì vậy, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội. Xuất phát từ những bất cập trên, việc lựa chọn đề tài “Giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố Hà Nội” là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với đơn vị SNCL trên địa bàn Thành phố.


Mục tiêu:
- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện cơ chế tự chủ về: thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội trên hai giác độ cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
- Đưa ra được các giải pháp để triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội.


Nội dung nghiên cứu:
- Hệ thống hóa, làm rõ cơ sở lý luận về cơ chế tự chủ trong các đơn vị SNCL trên các nội dung: thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính.
- Nghiên cứu thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội. Trong đó, lấy mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị SNCL làm trọng tâm để từ đó nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội.
- Đề xuất các giải pháp có tính khoa học và thực tiễn để triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội. Các giải pháp đề xuất đảm bảo tính khả thi, có lộ trình thực hiện cụ thể.


Kết quả của đề tài:
Tự chủ đơn vị SNCL là một vấn đề đa chiều cần phải được nhìn nhận, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Vì vậy, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố “Giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố Hà Nội”, nhóm nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết về các bên liên quan làm lý luận chính để có cái nhìn tổng quát nhất về thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội. Từ đây, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các tiêu chí để đánh giá thực trạng tự chủ đơn vị SNCL của Thành phố dưới ba góc độ: tính quyền lực, tính chính danh và tính cấp bách.


Dựa trên nền tảng lý thuyết về cơ chế tự chủ và quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tiễn thực hiện cơ chế tự trong các đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã rút ra được những kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL của Thành phố Hà Nội đó là: (i) Thành phố đã có những kế hoạch riêng để tạo “không gian” cho các đơn vị SNCL phát triển hoạt động chuyên môn bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được cơ quan quản lý cấp trên giao; (ii) Các đơn vị SNCL của Thành phố đã đạt được tự chủ trong một số nội dung nhất định như chủ động phân công, điều động viên chức, người lao động vào những vị trí việc làm phù hợp hay quyết định các tiêu chí chi trả thu nhập tăng thêm tương ứng với hiệu quả công việc; (iii) Sau một thời gian thực hiện tự chủ, số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên đã tăng lên, thu nhập của người lao động tại một số đơn vị đã được cải thiện; (iv) Số lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế, VHTT đã được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: (i) Các đơn vị vẫn bị “trói chặt” bởi nhiều quy định cứng của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, nhân sự và tài chính; (ii) Số lượng và chất lượng dịch vụ SNC mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân Thành phố; (ii) Năng lực thực hiện nhiệm vụ của nhiều đơn vị SNCL còn thấp. Những khó khăn này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan do cơ chế chính sách của Nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện; đặc điểm thị trường dịch vụ SNC của Thành phố. Nguyên nhân chủ quan do khâu tổ chức thực hiện của Thành phố chưa tinh gọn, còn rườm rà; Thành phố mới chỉ tập trung vào giao tự chủ về tài chính trong khi đó vẫn kiểm soát chặt chuyên môn và nhân sự của các đơn vị; sự thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng nhân sự cũng như cơ sở vật chất của chính các đơn vị SNCL chưa thể đáp ứng được với yêu cầu tự chủ.



 

Tin đọc nhiều

Đại hội đại biểu Hội Luật gia quận Long Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2024-2029

19:26 26/06/2024

HNP - Ngày 26/6, Hội Luật gia quận Long Biên tổ chức Đại hội đại biểu khóa IV, nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiệm vụ đánh giá kết quả hoạt động Hội trong nhiệm kỳ 2018-2024, đề ra phương hướng trọng tâm nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời bầu Ban Chấp hành quận Hội khoá IV, bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Luật gia thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ

06:39 26/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký ban hành Công văn số 1928/UBND-KSTTHC ngày 18/6/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

06:37 26/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.

Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn

21:33 18/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 về việc phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn, quận Long Biên, tỷ lệ 1/500.

Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân

21:31 18/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội.